Với người Thái ở xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, rượu Mai Hạ không đơn thuần là một thức uống nổi tiếng mà là một đặc sản có giá trị văn hoá và lịch sử. Tên rượu được lấy từ tên đất, tự thân nó đã nói lên nhiều điều.
Nghề nấu rượu ở xã Mai Hạ chẳng ai biết có từ bao giờ. Chỉ biết rằng nó được truyền từ đời này sang đời khác và người ta tin rằng không một vùng đất nào ngoài vùng đất này tạo ra được đúng thứ rượu the the, mê đắm mang tên “Rượu Mai Hạ”. Thứ rượu mà nhà thơ Lò Cao Nhum đã một lần cảm khái mô tả với tổng hoà vị ngọt của mật ong vách đá, vị chua của măng ướp chum vò, vị cay của ghen và cả vị đắng rất tâm trạng của cô em chồng “phải lòng” chị dâu.... Thứ rượu ấn tượng đó, uống một lần chẳng mấy ai quên.
Cả 5 xóm thuộc xã Mai Hạ, xóm nào cũng rải rác có hộ nấu rượu. Nhưng nấu nhiều nhất, đều tay và nổi tiếng nhất thì chỉ có xóm Chiềng Hạ. Phụ nữ xóm Chiềng Hạ hay lam hay làm, chịu thương chịu khó đã tảo tần sớm hôm, nhẫn nại và say sưa với nghề nấu rượu truyền thống. Nghề nấu rượu vốn chẳng an nhàn gì. Chỉ riêng việc đi kiếm lá cây rừng làm men cũng đã ngốn biết bao nhiêu thời gian và công sức. Để làm được loại men lá đúng đặc trưng, ít nhất phải kiếm đủ chín loại lá thơm: ổi, bưởi, chuông, nhòng nhạnh, hồng bì, ngựt mèo, chịch choóc, phá noộc, cú đin,.... mang về băm nhuyễn, trộn đều với hai loại củ dễ tìm hơn là gừng và giềng. Chưa nói đến các công đoạn tiếp theo phức tạp hơn như: chế biến nguyên liệu, làm men, ủ, chưng cất, lọc,... Trong những giọt mồ hôi rơi có cả niềm vui lẫn nỗi nhọc nhằn mà chắc chắn không thể định tính, định lượng thành con số. Nơi đây có những người phụ nữ cả đời đã gắn bó với nghề nấu rượu.
Nhãn hiệu rượu Mai Hạ của cơ sở sản xuất Vì Thị Tồn đã được đăng kí
Nếu như việc chuẩn bị nguyên liệu chỉ đòi hỏi thời gian và lòng nhiệt tình thì các quy trình chế biến thành rượu không những đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo mà còn phụ thuộc vào một yếu tố vô hình mà người dân nơi đây vẫn nửa đùa nửa thật gọi là “cái duyên nấu rượu”. Bởi lẽ, đều là thứ rượu được chiết xuất từ sắn trộn men lá rừng với cùng một bí quyết và bấy nhiêu nguyên liệu, nhưng rượu Mai Hạ do chính tay phụ nữ Chiềng Hạ nấu trên đất Chiềng Hạ luôn có hương vị riêng biệt.
- “Ai đã từng quen uống rượu Mai Hạ thì chỉ cần mở nắp ra là biết ngay có phải rượu Mai Hạ hay không!” Ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mai Châu tự tin khẳng định. Là người Mai Hạ và luôn tự hào về thứ rượu độc đáo của quê mình, bản thân ông dễ dàng nhận ra đâu là rượu chính gốc làng mình, đâu là rượu... giả danh.
Nếu rập khuôn làm theo quy trình thì sẽ chỉ nấu được một loại rượu có nồng độ giống nồng độ rượu Mai Hạ nhưng tuyệt đối không có hương vị đặc trưng của rượu Mai Hạ. “Hương vị đó là “sản phẩm độc quyền” của phụ nữ xóm Chiềng Hạ. Không thể tả nổi, chỉ có thể cảm nhận” - ông Hà Văn Tuấn tỏ ra rất tự hào.
Đặc biệt, uống rượu Mai Hạ chính gốc tuy nặng nhưng không bao giờ bị đau đầu. Nhâm nhi chén rượu Mai Hạ thơm nồng và thử cảm giác chuếnh choáng say trong đêm miền rừng vời vợi trăng và gió. Đó là trải nghiệm thú vị khiến không ít thực khách phương xa có tâm hồn phóng khoáng tìm đến và quay lại du lịch Mai Châu.
Vượt qua chính mình
Có lẽ vì rất tự hào về rượu quê mình nên ông Vì Xuân Đức - Chủ tịch UBND xã Mai Hạ thêm trăn trở cho chỗ đứng của nó. Không như trước kia, người dân chỉ nấu rượu Mai Hạ để sử dụng trong gia đình, rượu Mai Hạ bây giờ đang được lưu thông trên thị trường với tư cách là một sản phẩm hàng hoá. Có điều, chỗ đứng và sức vươn của sản phẩm này còn khiến cho nhiều người như ông Đức lo ngại.
Vấn đề là nghề nấu rượu truyền thống ở Mai Hạ chưa xứng tầm để quy hoạch thành một làng nghề hoặc chưa đủ sức mạnh để phát triển thành một vùng sản xuất rượu có giá trị kinh tế ổn định. Thực chất, việc sản xuất rượu Mai Hạ ở đây còn manh mún và thiếu chuyên nghiệp. “Đất rượu” Chiềng Hạ có 225 hộ dân thì chỉ còn không đến 100 hộ duy trì làm rượu. Trong gần 100 hộ này thì chỉ còn 3 hộ làm tương đối đều đặn. Hộ làm chuyên tâm nhất là hộ nhà chị Vì Thị Tồn, trung bình hàng tháng cũng chỉ sản xuất khoảng 500 lít.
Nguyên nhân cốt lõi là thiếu đầu ra. Những năm qua, đầu ra cho rượu Mai Hạ chỉ co cụm trong một diện hẹp, hạn chế trong phạm vi xóm, xã, huyện khiến lượng hàng tiêu thụ trở nên nhỏ lẻ, không hứa hẹn giá trị kinh tế. Mối quan hệ giữa cung và cầu trong trường hợp này khiến nhiều hộ gia đình ở Mai Hạ đành quay lưng với nghề nấu rượu truyền thống. Thời gian nông nhàn thì nhiều nhưng cũng chẳng mấy ai chí thú kiếm thêm thu nhập bằng cách nấu rượu.
Không cam lòng để thế mạnh của quê mình bị thui chột và lép vế so với những mặt hàng nông sản khác, cơ sở sản xuất rượu Mai Hạ của chị Vì Thị Tồn đã mạnh dạn mở ra một hướng đi. Ý tưởng xuất phát từ một đề án khuyến công mang tên “Xây dựng làng nghề sản xuất và chế biến rượu Mai Hạ từ nguyên liệu địa phương”. Từng bước hiện thực hoá đề án này, cơ sở đã hoàn thành một thao tác quan trọng mang tính chuyên nghiệp: đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho sản phẩm rượu Mai Hạ. Thao tác này nhằm bảo vệ sản phẩm của cơ sở trước khả năng bị chiếm đoạt nhãn hiệu, đồng thời có chỗ đứng chắc chắn hơn khi tung ra thị trường trong bối cảnh rượu Mai Hạ bị làm giả, làm nhái. Được biết đến thời điểm này, cơ sở sản xuất rượu Mai Hạ của chị Vì Thị Tồn là cơ sở duy nhất tại xã Mai Hạ đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.
Chị Vì Thị Tồn cho biết: Trước mắt, cơ sở sẽ độc lập sản xuất rượu đảm bảo chất lượng, tích cực tìm kiếm đầu ra để xác lập uy tín và dần dần mở rộng quy mô sản xuất. Định hướng lâu dài là quy hợp các hộ nấu rượu tại xóm Chiềng Hạ thành một tổ hợp sản xuất độc quyền nhằm cung ứng ra thị trường những sản phẩm rượu Mai Hạ chính gốc, chất lượng cao.
Nếu định hướng này trở thành hiện thực thì chắc chắn rằng niềm tự hào mang tên “rượu Mai Hạ” sẽ vượt qua chính mình để được nâng lên một tầm cao mới.
Related Posts