Đã từ lâu rượu ngô Sùng Phài, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu trở thành một đặc sản nổi tiếng được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon, uống êm, không bị đau đầu. Trong những ngày Tết này, có rượu ngô Sùng Phài để cúng gia tiên và uống cùng người thân, bạn bè thì quả là điều tuyệt vời.
Bà Má Thị Kẻ, bản Sùng Chô rót rượu bán cho khách.
Người dân xã Nậm Loỏng có truyền thống nấu rượu ngô từ lâu đời. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã biết nấu rượu ngô, ngay cả người già nhất xã cũng không nhớ được nguồn gốc. Chỉ biết rằng, đồng bào dân tộc Mông, xã Nậm Loỏng từ khi đến định cư ở vùng đất này đã biết nấu rượu ngô và phụ nữ từ 14 tuổi trở lên đã biết nấu thứ “nước cất” từ hạt bắp trên nương, rẫy.
Muốn nấu được rượu ngô ngon, trước hết phải chọn được ngô “đẹp”. Ngô được người dân trồng trên nương, rẫy không bị lạm dụng quá nhiều bởi thuốc bảo vệ thực vật. Khi thu hoạch về ngô được phơi khô, cất cẩn thận và khi nào cần nấu rượu thì mang ra tẽ. Đầu tiên, luộc ngô từ 8 đến 11 tiếng, vớt ra, để nguội, rắc men vào và ủ từ 7 ngày trở lên rồi đem nấu.
Men là yếu tố quan trọng nhất quyết định độ ngon của rượu ngô. Người dân Sùng Phài có cách làm men rất đặc biệt. Từ đời này, truyền qua đời khác, người dân Sùng Phài làm men để nấu rượu ngô từ thảo dược. Đó là một loại cây rừng có hạt giống hạt kê, được người dân lấy về làm men. Ngày nay, nhằm chủ động hơn cho việc nấu rượu, ngoài việc lấy tự nhiên từ rừng, người dân đã để giống, gieo và thu hoạch. Theo kinh nghiệm của người dân, muốn men trắng ngon, hạt cây phải được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và không bị mốc. Men làm từ cây thảo dược có màu trắng ngần, rất đẹp. Nấu ngô bằng men từ cây rừng tự nhiên này rượu thơm, ngon và để lâu không bị chuyển sang màu vàng đục.
Theo người dân ở đây, ngô ủ men càng lâu, càng ngấu, nấu rượu càng ngon, có nhà ủ từ 2-3 tháng. Đến xã Nậm Loỏng những ngày đầu năm, mọi người sẽ được gia chủ mời uống rượu ngô. Để có rượu uống vào dịp Tết, các gia đình đã chuẩn bị từ cuối năm và hầu như nhà nào cũng nấu. Chị Chang Thị Sua, bản Nùng Thàng, xã Nậm Loỏng chia sẻ: “Bình thường nhà mình vẫn tự nấu rượu để uống. Những ngày Tết, mình nấu rượu để mời anh em, họ hàng và người thân. Chuẩn bị rượu đón xuân, mình nấu từ đầu tháng 12 âm lịch để cuối năm đỡ bận rộn. Nấu rượu không chỉ để uống, để bán mà khi bà con, làng bản có việc mình còn mang rượu sang giúp”. Lúc đó, rượu trở thành sự chia sẻ đối với những người xung quanh. Âu đó cũng là cái nghĩa, cái tình của người dân địa phương. Nhất là trong dịp Tết đến, xuân về nghĩa cử cao đẹp đó càng làm thắm đượm tình quê hương, làng bản của người dân nơi đây.
Ông Giàng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu cho biết: "Rượu ngô Sùng Phài không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn là sản phẩm để kinh doanh. Từ lâu, rượu ngô Sùng Phài đã trở thành hàng hóa, là thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Năm 2014, nghề nấu rượu ngô của xã Nậm Loỏng được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống".
Là một trong những hộ dân nấu rượu ngô nhiều nhất xã Nậm Loỏng, bà Má Thị Kẻ, bản Sùng Chô chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống nấu rượu ngô nhiều đời rồi. Từ năm 14 tuổi, tôi đã biết nấu rượu. Nhà tôi nấu rượu bán quanh năm. Vào dịp Tết này, tôi cung cấp ra thị trường với số lượng rượu khá lớn”. Khi được hỏi đã bán bao nhiêu lít thì bà không thể nhớ nổi người mua ít 3-5 lít, người lấy nhiều có khi đến 200 lít, không thống kê được. Rượu ngô nhà bà được nấu từ lá men rừng nên uống không bị đau đầu. Bà là một trong những hộ vẫn giữ được cách làm men truyền thống của tổ tiên để lại.
Đồng bào dân tộc Mông rất trọng tình, mến khách và luôn đặt chữ tín lên hàng đầu vì vậy rượu ngô Sùng Phài không bao giờ bị người dân pha chế. Ngày xuân, ngày của lễ hội, ngày của sự đoàn viên tụ họp, mọi người chúc nhau những lời tốt đẹp nhất và cùng thưởng thức chén rượu ngô Sùng Phài thơm ngon, sóng sánh hương vị của đất trời đọng lại thì thật hạnh phúc./.
Các mẫu mã của “Rượu Mông kê”