Lạng Sơn mùa mác mật chín(nhandan.com.vn)
NDĐT - Hàng năm cứ vào tháng sáu đến tháng bẩy âm lịch bà con các tộc ở một số địa phương trong tỉnh Lạng Sơn lại nô nức lên rừng hái mác mật chín đem bán cho khách thập phương và xuất khẩu sang Trung Quốc, để làm gia vị cho các món ăn độc đáo. Nhiều hộ gia đình nông dân đã thoát nghèo từ cây mác mật.
Từ đầu tháng bảy đến nay, từ sáng sớm, ngày nào cũng vậy ở Bản Đao, Tân Văn, (Bình Gia), từ đầu bản đến cuối bản bà con lại gọi nhau lên rừng hái quả mác mật. Đến gần trưa từng tốp người lại trở về bản trên vai nặng trĩu những gánh quả mác mật chín mọng. Tư thương ở thị trấn Đồng Đăng, (Cao Lộc), TP Lạng Sơn đã chờ sẵn ở đầu bản thu gom, trong đó có cả tư thương đến từ Quảng Tây, (Trung Quốc) đến mua hàng.
Trưởng thôn Bản Đao, Hoàng Văn Hợp phấn khởi nói: “Vào mùa này cả bản đông như ngày hội. Thôn có 106 hộ, thì nhà nào cũng có cây mác mật, từ vài trăm cây trở lên, diện tích cây mác mật của thôn có hơn 40 ha, nhiều nhất là hộ anh Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Thị Nguyệt, có hơn hai ha, mỗi năm thu từ hai tấn quả. Năm nay, giá bán tại gốc một kg bán với 14 nghìn đồng/kg. Nhiều hộ gia đình trong thôn Bản Đao, cho thu nhập từ cây mác mật mỗi năm từ 40 đến 80 triệu đồng”.
Cũng như thôn Bản Đao, thôn Pác Nàng, ở xã Tô Hiệu, (Bình Gia), 100% số hộ dân ở thôn đều trồng cây mác mật từ nhiều năm nay, Ông Hứa Văn Dụ, 74 tuổi cho biết: “Từ nhỏ đã được ăn quả mác mật, cây mọc hoang ở gần chân núi đá vôi nhiều lắm. Cứ vào những ngày lễ hội, đám cưới, mừng nhà mới... là bà con trong bản lại lên rừng hái lá mác mật về làm gia vị quay lợn, vịt, ướp thịt nướng… nếu thiếu thì không thành những món này”.
Thu gom quả mác mật đem bán.
Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện Bình Gia, Nông Sĩ Dũng cho biết: “Huyện Bình Gia có 19 xã và một thị trấn, ở đâu cũng có cây mác mật phát triển rất tốt, với tổng diện tích của cả huyện là hơn 140 ha, tổng sản lượng hàng năm ước khoảng 3.500 tấn quả. Hiện nay, cây mác mật được phát triển nhiều nhất ở ba xã Hoàng Văn Thụ, Tân Văn và xã Tô Hiệu, nhiều thôn bản trồng cây mác mật trở thành vùng hàng hóa và cũng là cây chủ lực để xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Năm nay, quả mác mật được mùa lại được giá nên bà con rất phấn khởi...”.
Nói về cây thế mạnh của cây mác mật, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học nông, lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn Hoàng Lê Minh cho biết: “Cây mác mật trồng từ bốn đến năm đã cho quả. Cây có tuổi thọ khoảng 40 năm, trong đó từ 25 đến 30 năm cho năng suất cao, mỗi cây trung bình cho tới từ 40 đến 60kg quả/năm. Những năm gần đây, do giá trị cây mác mật đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nông dân đã mở rộng diện tích trồng. Cây mác mật có mặt chủ yếu ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc...”
Cả cây mác mật nhất là ở lá, vỏ quả có tinh dầu thơm dễ chịu. Từ lâu người dân các dân tộc ở khu Việt Bắc nói chung và Lạng Sơn nói riêng đều có kinh nghiệm sử dụng mác mật làm gia vị chế biến cho các món ăn từ lâu đời. Lá mác mật không thể thiếu đối với món thịt lợn quay, vịt quay, thịt nướng, xào măng... Quả tươi làm nên hương vị độc đáo của món măng ớt, ăn một lần nhớ mãi. Quả mác mật phơi khô để kho thịt, cá; hoặc xay mịn để làm gia vị như hạt tiêu...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn Hoàng Quang Chinh cho biết: “Cây mác mật rất dễ trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển cây mác mật trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, hầu hết là do sự tự phát của người dân”.
Trong thời gian tới, tỉnh cần chú trọng tuyên truyền, vận động khuyến khích và hướng dẫn người dân tiếp tục phát triển diện tích cây mác mật, coi là một trong những loại cây hàng hóa có thể hình thành vùng chuyên canh cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu...
Quả mác mật khô
Xem thêmMón ngon thơm mùi mắc mật đặc trưng ở Lạng SơnĐến với mảnh đất phía Đông Bắc của Tổ quốc, bạn không thể không thử qua vịt quay hay thịt heo nướng lá mắc mật.
Related Posts