Tên gọi khác: Bưởi Luận Văn
Nguồn gốc: Làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Loại sản phẩm: Quả tươi tự nhiên được bảo hộ CDĐL số 00039 cấp ngày 18/12/2013.
Thông tin về sản phẩm: Bưởi này được người tiêu dùng tại thành phố Thanh Hóa rất ưa chuộng. Theo Trung tâm Nuôi cấy Mô Thanh Hóa, bưởi Luận Văn chỉ duy trì được những đặc tính quý hiếm của nó tại 2 xã Thọ Xương, Yên Bái và một số xã phụ cận của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Quả bưởi có hình tròn dẹt, khi nhỏ có màu xanh, khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc, vỏ quả, cùi quả, vỏ múi có màu đỏ rất đẹp mắt, mọng nước, ngọt, hương thơm đặc trưng. Ưu thế nổi bật của bưởi Luận Văn là phẩm chất tốt, màu sắc vỏ và thịt quả tím đỏ hấp dẫn, có mùi thơm, bảo quản lâu, thời gian thu hoạch lại trùng vào đúng tết âm lịch nên nhu cầu tiêu thụ rất cao.
Thời vụ: Bắt đầu chín từ tháng 12 Dương lịch đến hết tháng 1 năm sau,
Đơn vị tư vấn xây dựng CDĐL: Trung tâm NC&PT Hệ thống Nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
Bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn
Mô hình trồng mới bưởi Luận Văn của gia đình ông Nguyễn Văn Mậu, thôn Mục Ngoại, xã Thọ Xương (Thọ Xuân).
(THO) - Những năm gần đây, huyện Thọ Xuân đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn – một giống bưởi quý có nguồn gốc từ thời hậu Lê.
Bưởi Luận Văn có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân). Khi quả non, bưởi có màu xanh, nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc; múi bưởi đỏ hồng, mọng nước, hương thơm đặc trưng. Bưởi Luận Văn thường chín vào dịp cuối năm nên rất có giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cao cho các hộ trồng bưởi. Theo người dân địa phương, nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng, đặc biệt, bưởi có màu đỏ gấc thể hiện sự may mắn, tài lộc, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết... Thời hậu Lê, bưởi Luận Văn được nhân dân dâng tiến vua và tục lệ này được lưu truyền cho đến ngày nay, nên cứ vào dịp lễ hội Lam Kinh, nhân dân địa phương lại có mâm lễ bưởi Luận Văn. Vì vậy, ngoài giá trị kinh tế, bưởi Luận Văn còn có giá trị văn hóa, ý nghĩa tâm linh.
Giá trị là vậy, song, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong một thời gian dài, bưởi Luận Văn không được người dân, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, chăm sóc, dẫn đến diện tích và năng suất bị giảm và có nguy cơ tuyệt giống. Nhằm bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn, năm 2012 huyện Thọ Xuân đã phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Nuôi cấy mô Thanh Hóa triển khai Dự án “Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng, thâm canh bưởi Luận Văn đặc sản tại Thọ Xuân”. Dự án đã cấp trên 2.000 cây bưởi Luận Văn sạch bệnh cho các hộ gia đình ở xã Thọ Xương trồng, chăm sóc. Ông Lê Đức Đệ, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, cho biết: “Việc thực hiện bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn thông qua dự án đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Từ chủ trương này, xã Thọ Xương đã mở rộng diện tích bưởi Luận Văn lên 5 ha, trong đó có 2 ha trồng rải rác ở các hộ dân và 3 ha trồng tập trung”.
Hiện nay, ngoài xã Thọ Xương, bưởi Luận Văn đã được nhân rộng ra các xã lân cận trên địa bàn huyện, như: Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Phú. Một số hộ có diện tích bưởi lớn như: Gia đình các ông: Trần Công Thắng; Lê Văn Nghiệp, thôn 2 (Xuân Bái); Nguyễn Văn Mậu, thôn Mục Ngoại (Thọ Xương)... Gia đình ông Trần Công Thắng có 70 gốc bưởi, trong đó 60 gốc đang cho thu hoạch. Với giá trung bình từ 80 – 100.000 đồng/quả, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 30 triệu đồng. Ông Thắng cho biết: “So với những cây trồng khác, cây bưởi Luận Văn có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Với sự hỗ trợ của Dự án “Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng, thâm canh bưởi Luận Văn đặc sản tại Thọ Xuân”, gia đình tôi đang từng bước mở rộng diện tích và sẽ bán giống cho các hộ khác trong và ngoài xã”.
Được biết, để bảo đảm hiệu quả trong việc bảo tồn và phát triển giống bưởi Luận Văn, cuối năm 2013, Trung tâm Nuôi cấy mô Thanh Hóa cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh, phòng chống tái nhiễm bệnh ở bưởi Luận Văn cho 300 hộ trồng bưởi thuộc 3 xã: Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Lam. Việc làm này đã và đang khuyến khích các hộ trồng bưởi mở rộng diện tích và là tiền đề quan trọng để huyện Thọ Xuân hình thành vùng chuyên canh bưởi Luận Văn. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân, toàn huyện có khoảng 500 hộ tham gia trồng bưởi Luận Văn với diện tích trên 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Lam.
Trước đây, khâu sản xuất và cung ứng giống bưởi Luận Văn trên địa bàn huyện Thọ Xuân chưa được kiểm soát, việc trồng và nhân giống hoàn toàn do các hộ thực hiện theo phương pháp chiết cành nên chất lượng giống không bảo đảm... Hy vọng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Thọ Xuân cùng với các ngành chuyên môn, việc bảo tồn và phát triển bưởi Luận Văn sẽ phát huy hiệu quả, từng bước mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu bưởi Luận Văn trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Video S -
Việt Nam: Đặc sản bưởi tiến vua làng Luận Văn Thanh Hóa
Xem thêm
Tết Giáp ngọ, bưởi ‘tiến vua’ lên ngôi
Những sản vật từng một thời được "tiến vua" giờ đang được thương mại hóa triệt để. Với sự hỗ trợ của phương thức kinh doanh online, giờ đây bạn có thể ngồi nhà mà vẫn sắm Tết và nhất là có thể chọn những sản vật quý giá của mỗi vùng miền, như trường hợp trái bưởi Luận Văn.
120.000 đồng/quả bưởi tiến vua màu đỏ bày mâm ngũ quả Tết
Có màu đỏ tươi từ trong ra ngoài, mùi thơm hơn phật thủ, giống bưởi đã từng là đồ tiến vua được chào bán cho nhu cầu bày mâm ngũ quả ngày Tết với giá 100.000-120.000 đồng mỗi quả.
Related Posts